Thực tế cho thấy, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được Bộ Giao thông vận tải phân cấp cho các địa phương, đồng thời thực hiện xã hội hóa các cơ sở, đào tạo sát hạch lái xe, cơ bản, đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lái xe của xã hội.
Bộ Giao thông vận tải cũng thường xuyên, liên tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tiêu cực.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của một số đại biểu, đây là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, có nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn, nhưng một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực như: kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết…

Quan tâm đến công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe, đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nêu thực tế ở một số địa phương.
“Đào tạo vượt số lượng được cấp phép, công tác kiểm tra, giám sát có nơi chưa thực hiện, công tác giám sát học và thi sát hạch còn hình thức, còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy và người không đủ năng lực hành vi, không đủ sức khỏe. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để chấm dứt tồn tại trên nhằm nâng cao chất lượng công tác này?”, đại biểu Nguyễn Thị Huế bày tỏ.

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Điểu Huỳnh Sang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cho rằng, việc đào tạo, sát hạch lái xe là hoạt động nghề nghiệp, theo quy định có hình thức đào tạo chính quy và thường xuyên, nhưng hệ thống pháp luật còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho cử tri và Nhân dân.
Đại biểu phân tích, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì đào tạo thường xuyên và Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì lại đào tạo theo hình thức chính quy. Như vậy, giữa 2 luật này chưa có một sự thống nhất. Đây là một bất cập rất lớn.
Hơn nữa, quy định về dạy lý thuyết theo kiểu truyền thống thì học viên phải tập trung đến lớp, điểm danh, việc dạy học thì phải diễn ra trên lớp với 8 giờ và kéo dài 21 ngày không còn phù hợp với đại đa số người học. Điều này đã gây ra lãng phí về nguồn lực và thời gian của xã hội và khó để thực hiện chủ trương chuyển đổi số hiện nay.
“Như vậy là đi ngược với yêu cầu thực tiễn và xu hướng cũng như là thành quả của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ về việc đào tạo”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang khẳng định.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có những rà soát, đồng thời có biện pháp để đảm bảo không gây khó khăn cho cử tri và người dân trong thực tiễn.

Cũng quan tâm vấn đề này, đại biểu Tráng A Dương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho biết, quản lý tốt, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần giúp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn, qua đó giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Con đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng cho biết về chất lượng công tác thanh tra thời gian qua và giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra?
“Đến nay, cơ quan điều tra các tỉnh đã khởi tố 68 vụ, trên 600 bị can liên quan đến đăng kiểm viên, còn liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực sát hạch giấy phép lái xe thì đã khởi tố đến hai con số và vi phạm này đã kéo dài”, đại biểu Lý Văn Huấn nói.
Theo đại biểu Lý Văn Huấn, hiện nay vẫn có hiện tượng bôi trơn, chống trượt khi sát hạch cấp giấy phép lái xe. Đại biểu nêu băn khoăn chất lượng thanh tra kém là do năng lực của cán bộ thanh tra hay do nể nang, né tránh hay do áp lực gì khác mà qua thanh tra không phát hiện vi phạm.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về nội dung liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc thanh tra toàn diện về công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe trong 63 tỉnh thành. Đã phát hiện, xử lý nghiêm và chuyển 6 bộ hồ sơ vi phạm liên quan đến việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho những người nghiện, những người không đủ hành vi sang cơ quan công an để điều tra làm rõ.
Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chỉ đạo sửa đổi các thông tư và siết chặt quản lý không để xảy ra tình trạng đào tạo, cấp bằng cho các đối tượng nghiện, những người không đủ hành vi.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng thanh tra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần phải tách bạch chức năng quản lý với chức năng cung cấp dịch vụ. Đảm bảo đã là cán bộ, công chức thì phải tập trung vào chức năng quản lý nhà nước.
Về giải pháp dài hạn, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp Giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực hành vi, sức khỏe, nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe.